ĐÀM HOA LẠC KHỨ…
Phí Ngọc Hùng
Hoa quỳnh. Đàm hoa. Nguồn Internet
Đàm hoa lạc khứ
Một buổi đi xa trở về phố thị. Đèn xanh: đạp ga. Đèn đỏ: đạp thắng. Đèn vàng: phân vân chẳng biết nên đạp ga hay thắng, như thể không biết mình đang thuộc về nơi chốn nào? Đất tạm dung, bỗng dưng hoài đồng vọng đến câu vong gia thất thổ. Thổ là đất, bèn mò ra bãi cỏ bên kia hàng rào chui xuống cái giếng cạn ngồi như con ếch. Và lân la làm quen với người Trang Tử: ”Con ếch ngồi trong đáy giếng, làm sao nói được chuyện biển cả, vì nó không biết gì xa hơn đời nó”.
Thế nhưng ngày qua ngày, lại trông ngóng xa hơn để đi tìm một khoảng thời gian ẩn khuất đã mất nào đó.
***
“Người đi tìm thời gian đã mất” gặp cái giếng hoang, bèn dọn dẹp cỏ dại làm thành một chỗ trú ẩn gọn ghẽ. Bờ giếng cao nửa mét, người đi tìm thời gian đã mất lấy tấm ván dày đậy nắp giếng tránh mưa gió. Xem xét hang ổ, nói chung vừa chật chội vừa mênh mông, nhưng gọn gàng với thân hình lẻ loi vắng bóng của mình. Tiếp là đứng trên hòn đá thô, lẩn mẩn đục một cái lỗ ở thành giếng để đi tìm những vu vơ của thiên hạ sự. Những hụt hẫng nhiều khi ngay cả của chính mình hay hoặc giả với bất cứ ai đấy có những u hoài, những chơi vơi của một kiếp người…
Cái lỗ thứ nhất chính là cánh cửa của quá khứ:
Người đi tìm thời gian đã mất phóng thiên lý nhãn về nỗi cô quạnh trong một ngày nắng khơi khơi, mây khan khan và xa xa trông thấy một nam nhân. Nhìn kỹ hơn, nam nhân khuất nẻo kia quê mẹ ở trấn Kinh Bắc, sinh ở Bắc Thành. Là huyện quan Phù Dung trên hai mươi, vì việc công, vì chiến địa, nên không thể vĩnh biệt người vợ hiền vừa vội về với cõi. Huyện quan đứng bên bờ sông có xác những con vờ vờ nổi trôi mà tên chữ là con phù du, chúng có một đời sống ngắn ngủi như kiếp phù sinh. Một chiều trên bến nước, huyện quan hoài cố quận, hoài cố nhân qua bài hành có tên Ký mộng:
Thệ thủy nhật dạ lưu
Du tử hành vị quy
Kinh niên bất tương kiến
Tư hà dĩ úy tương ti
Thì cứ tạm diễn nôm là dòng sông ngày đêm chẩy mãi, du tử đi sao lại chưa về, bao năm vắng bóng ủ ê, cách gì an ủi đêm về nhớ nhau. Qua bài thơ Hán tự này, huyện quan trấn Kinh Bắc rất tài hoa khi dùng thuật ngữ “thệ thủy” là dòng sông cứ chẩy mãi với “thệ” là thề. Và du tử là người đi không hẹn ngày trở lại.
Vì vậy người đi tìm thời gian đã mất gọi huyện quan trấn Kinh Bắc là “người Du tử” để tránh dẫm chân lên một nhân vật xứ Kinh Bắc khác sẽ xuất hiện ở khúc sau. Người Du tử sống vào thời Hậu Lê Mạt, có 3 vợ, 18 người con. Và hưởng thọ 54 tuổi, thế nên để lại câu thơ “Trần thế bách niên khai nhãn mộng”, hiểu là…cõi trần thế trăm năm chỉ là giấc mơ. Câu thơ như dòng sinh mệnh vận vào những ai như chiếc đèn cù của dòng đời từ tuổi còn trẻ với những giấc mơ hoa…Ngẫm cho cùng: Ai đấy, không nhất thiết phải đợi đến già chui xuống lòng đất để loay hoay với bờ mê bến ngộ, như người đi tìm thời gian đã mất chui xuống cái giếng hoang để đang cỏ hoa lạc lối đây.
***
Tri giao quái ngã sầu đa mộng, thiên hạ hà nhân bất mộng trung, người đi tìm thời gian đã mất lại mầy mò đi tìm một bất thế kỳ nhân khác nữa có tới…13 cuộc tình. Bèn mò mẫm ít đá đẽo đục, chai lọ vỡ cào cấu thêm một cái lỗ khác lớn hơn và gần hơn nhằm vào thập niên 40. Và cũng lại ve vé mắt hướng về Hà Nội em ơi! Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, còn em hoa sữa, tiếng giày gọi đường khuya, thang gác cọt kẹt thời gian, thân gỗ ...”. Phố đây có một nhân vật cũngngười xứ Kinh Bắc vừa nhắc tới ở trên có cái tên là “Người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư”.
Thêm cái lỗ thứ hai là cánh cửa của quá khứ…
Để bớt lẻ loi giữa bao la vô tận của đất trời, không còn sự phân thân giữa người và vạn vật để đồng cảm với nhau qua những nỗi trống trải. Qua song cửa hẹp với thế sự du du hề một cuộc bể dâu, người đi tìm thời gian đã mất hòa nhập về những tình cuối chân mây trên thang gác cọt kẹt thời gian…Với nhân kiếp phù sinh hề một thoáng bạch câuchẳng chừa một ai.
Chiều mùng hai Tết trời hom hom, đất đơ đơ. Người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư như thân gỗ mục, ngoài hai bữa cơm đèn, ngày lúc cháo khi cơm. Có khi ăn cơm khan chỉ chan nước mưa, ấy vậy mà rượu tì tì sáu chén, thuốc lào rít đều đặn đủ cữ. Riêng anh chàng bàn đèn vẫn ngả nghiêng với ông mỗi sáng, như hôm nay chẳng hạn. Nhìn qua khung cửa sổ của cái giếng, người đi tìm thời gian đã mất bắt gặp ông đang độc thoại với chính mình: "Mình chỉ ngủ được 3-4 tiếng thôi, còn đâu là nghĩ. Những kỷ niệm cứ ập về. Mình làm thơ nên cảm xúc nhiều. Khổ !". Ông nói không làm được thơ nữa, tất cả đã lịm tắt. Thỉnh thoảng ông mơ mơ đọc lại những câu thơ cũ với nhớ nhớ quên quên. Giọng người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư đặc quánh mùi thuốc lào:
Hễ nói đến quên lại nhớ
Nhớ nhiều sao chỉ về đêm
Giấc ngủ còn gì để thức
Toàn thân bụi đỏ thoa mềm
Ông nằm đó miên man, đôi mắt chan chứa nỗi u sầu, giờ hờ hững khép mở về một vùng u tịch của quá vãng. Mặc cho ngoài kia cuộc sống đang ầm ào, mặc cho tha nhân gian díu trong bể trầm luân của kiếp lai sinh. Ngày ngày, ông chìm đắm một quên hai nhớ tưởng chừng không dứt trong im ắng của thời gian. Đã từ lâu bước qua tuổi cổ lai hy, chẳng biết trước thời gian còn lại ngắn hay dài. Ông như người thiền định trong cõi thực, bên bờ cõi miên viễn. Người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư nhắm mắt lãng quên thực tại, giọng đều đều như đang nói chuyện với ai đấy:
“…Đấy là chuyện tình với cô N., mối tình này đến khi tôi đã có vợ con. Nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên không từ tình yêu mà do thày mẹ sắp đặt khi tôi 17 tuổi.
N. là một người đẹp, sắc sảo, con gái của một gia đình khá giả, chúng tôi đã quen biết nhau từ trước. Trong những ngày về Tiên Du với ý định nhờ N. đóng một vai kịch, tôi mới thực sự mê cô ấy. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại lặn lội từ Hà Nội về Bắc Ninh thăm N. Ban ngày chúng tôi xuống làng chơi, ban đêm, nhất là những đêm trăng sáng đi dạo với nhau, lãng mạn vô cùng. Nhưng con gái có thì cũng đến lúc cô phải lấy chồng, mà không thể lấy một người đã có vợ con như tôi. Chúng tôi đành chia tay nhau vì mối tình oái oăm này. Về sau cô ấy lấy chồng ở Hà Nội. Ông trời cũng éo le. Trong những ngày tháng ăn ở với tôi, cô ấy không có mang. Nhưng khi lấy chồng, cô ấy đẻ một mạch 7-8 đứa con. Đến lần sinh nở cuối cùng cô ấy bị băng huyết và chết khi mới gần 40 tuổi. Đó là một cuộc tình đầy những ân hận dẫu rằng nếu có quay ngược thời gian, tôi cũng không thể làm cách nào khác được. Cuộc chia tay ấy như định mệnh vậy…”.
***
Người đi tìm thời gian đã mất nhong nhóng nghe chuyện kể chẳng có gì hay ho cho lắm. Chuyện người lươn khươn đâm rách việc, mà việc thì cứ ối ra cả đấy. Cắc củm được mảnh gỗ lúi húi đào hố để lấy nước uống, nhằm đúng một kho sách quý đầy kim cổ kỳ thư, bèn xoay xỏa mở ra đọc. Và chứng ngộ ra rằng áng văn chương thiên cổ sự dưới đây đầy kỳ tích, kỳ bí nếu so với chuyện chán cơm nguội thích ăn phở ở trên:
“…Người tả dục tính đầu tiên là Lê Hoằng Mưu, chủ bút Lục Tỉnh Tân-văn, tác giả Hà hương phong nguyệt. Với truyện Người bán ngọc, văn phong biền ngẫu gần 400 trang. Người bán ngọc đây là Tô Thương Hậu giả phụ nữ bán ngọc để gần gũi và trở thành tình nhân của Hồ phu nhân trong hai năm chồng đi xa. Trước là đồng tình luyến ái. Sau trai gái thật khi Tô Thương Hậu không cầm lòng được đã để lộ cái..."oan gia".
Vén mùng rồi vừa gạt chưn lên giường, xẩy thấy một tòa thiên nhiên, lịch sự như tiên giáng thế, làm cho người bán ngọc mảng mê nhan sắc trố mắt đứng nhìn, quên bổn phận mình, mưu sự tệ tình, bất cẩn... Thấy Hồ phu nhân mê mẩn giấc nồng sổ đầu, nằm bỏ tóc, xấp xả khó gìn cho đặng. Bèn đưa tay rờ rẫm vuốt ve cho thỏa. Không dè, mới thò tay tới bụng sợ phập phồng nó làm cho tấc dạ bồi hồi, tay rung lập cập. Người bán ngọc không dám rờ! Lật đật thục tay vào rồi xây mặt ngó quanh quẩn bên mình... Vuốt qua vuốt lại, rờ xuống rờ lên đôi ba phen mà Hồ phu nhân mê mẩn không hay, người bán ngọc thấy vậy mới dễ ngươi, ái tình lại dối lòng tà dục... muốn kề má hun cho phỉ dạ. Có một điều là rờ rẫm vuốt ve thì không sao, chớ hễ muốn kề má xuống hun, thì lại hườn cựu lệ, trống ngực đánh rầm rầm, chân tay run lẩy bẩy... đổ mồ hôi ướt đẫm như người bị cảm mạo phong sương... dục thúc quá dằn lòng không đặng, người bán ngọc bèn gượng đưa tay ra rờ cái ngọc cốt phi phàm... Rờ tới đâu chết điếng tới đó...".
***
Rờ tới đâu...thì ấy là chuyện hậu sự. Đất sinh cỏ già sinh tật, người đi tìm thời gian đã mất lại quay quắt về với sách hậu hiện đại thiên niên kỷ 21 sao chép chuyện vợ chồng của người Du tử xem có tang thương ngẫu lục hơn Hồ phu nhân chăng:
“…Du đi dự hội yến ở dinh Tổng trấn Bắc thành, rất khuya mới về đến nhà. Vợ Du vẫn còn thức. Thấy chồng mặt mày ảo não, nàng hỏi có chính biến gì chăng. Du thở đánh sượt, nói: "Tiệc đông vui, nhưng gặp lại cô Cầm". Vợ hỏi: "Cô Cầm nào?". Du không đáp, đi thẳng vào phòng văn, đóng cửa lại. Vợ Du nẳm một mình thao thức. Nhớ cô Cầm quá đỗi, hồi lâu sau, Du từ phòng văn trở ra, bước thẳng đến giường vợ, chẳng nói chẳng rằng, tuột váy nàng ra, hổn hển làm tình. Xong, Du lại lẳng lặng nhổm dậy, đi thẳng vào phòng văn. Vợ Du trăn trở một lát rồi ngủ thiếp, thấy một bà vãi xô mình xuống sông. Nàng không biết bơi, vùng vẫy, sặc nước. Bà vãi thản nhiên đứng trên bờ đợi đến khi nàng chìm hẳn xuống nước, rồi mới bỏ đi. Sáng sớm, Du rời phòng văn, định sai gia nhân mang tặng cô Cầm bài "Cầm giả dẫn" vừa viết xong. Khi bước ngang buồng ngủ, Du nghe vợ đang ú ớ hát trong mơ, giọng đục như tiếng đàn đáy…”.
***
Người đi tìm thời gian đã mất trở lại cái cửa sổ thứ hai, nhìn lên khoảng không, mây đùn lên ngang ngang một mầu xám chì tẻ ngắt, đất trời chùng hẳn xuống, gió thổi mây xoắn tít. Người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư vẫn còn nằm trên giường, đôi mắt khép nhẹ, hờ hững, chung quanh bao la là mây trời. Ông giờ một nửa là người của cõi phiêu bồng, một nửa còn lại vẫn còn gian díu với duyên nợ. Những còn lại là khoảng mây trắng để hồn thơ ông bay lượn trong nương chiều. Lúc này đây, ngẫm lại những thăng trầm bể dâu của ông. Trong đó, ám ảnh không nguôi là một người tình khác giũ áo bụi trần đi tu mà không nói với ông lấy một lời:
Ta biết mai này mây trắng
Thường bâng khuâng bãi chiêu hoang
Ni cô bỏ chùa Long Khám
Về xin đi lại đoạn đường
Và người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư âm ỉ về một đoạn đường đã qua như mới đâu đây:
“…Năm tôi 17 tuổi, trước khi lấy vợ. Tôi ở trọ ở làng Đại Tráng, Bắc Ninh. Buổi trưa nọ, tôi thấy một cô gái gánh gạo vào nhà. Tưởng bà chủ mua gạo, sau mới biết đó là con gái bà. Lúc cô ấy vừa đặt quang gánh xuống, tôi thấy đẹp quá qua đôi mắt to đen lay láy, sao lại có cô gái xinh thế!. Bà chủ nói: "Em nó tên Ngh., năm nay 19 tuổi".
Mỗi lần về tôi đi học về. Chị lại ra đón. Muốn ăn gì, cứ nói, chị Ngh. sẽ chìu tất. Tôi thấy có gì đó lạ lạ, độ ấy mùa rét, chị bảo: "Vào trong bếp ngồi cho ấm, ngoài sân lạnh lắm". Chị rải rơm cho ngồi, tôi ngồi cạnh. Trong bếp, lửa làm má ửng hồng thêm và long lanh thêm đôi mắt, không có gì nhiều để nói. Có những hôm tôi đi học về lúc chiều tối, đến cổng đã thấy chị thơ thẩn ở đó, tay cầm cái liềm, hình như có ý đợi. Chị âu yếm hỏi: "Cậu về rồi à? Có rét không? Thôi vào bếp đi, mình nướng mấy củ khoai ngon lắm".
Còn nhớ một lần, để quên cái va li nhỏ ở nhà trọ tôi ghé lấy, gặp chị. Nghe chị trách: "Sao lâu lắm cậu không xuống nữa?". Dạo đó tôi nhút nhát lắm, thường bị trêu là dát gái. Tự dưng chị có cử chỉ rất lạ, cứ ôm lấy tôi: "Tí nữa hãy về", rồi nắm cái va li giằng lại. Ngôi nhà năm gian vắng lặng, sân gạch rộng mênh mông. Nhà không có ai, tôi cũng ôm chặt lấy chị, dần dần quen tôi cũng sờ sọang bên ngoài áo.
Từ đấy, mỗi khi được chị ôm, tôi đưa tay vào trong yếm...
Nghe tin chị vừa lấy chồng, lại được tin bố chị mất. Tôi về thăm, chị ra đón, tỏ vẻ săn sóc ghê lắm. Khoảng tối, bà cô qua lo tang ma cố ý nói thật to: "Đánh cho con Ngh. một trận. Làm sao bố chết mà suốt ngày chỉ nhìn giai, cứ đờ đẫn ra như thế này?". Tôi hơi chột dạ, sao bà tinh ý thế, để ý cháu từng tí một. Tôi xuống nhà ngang, ở đó có buồng, có bàn và giở sách ra đọc. Cả ngày hôm sau, chị cứ quấn quýt bên tôi như có gì hút vào. Mỗi lần bà cô vào hay quanh quẩn ở đó, chị lại lảng đi.
Từ đó, hầu như chúng tôi không gặp nhau nữa. Riêng lần giỗ đầu bố chị, tự dưng tôi nhớ nên ghé thăm làng Đại Tráng. Không hiểu sao có chồng rồi mà chị Ngh. đối xử với tôi rất tự nhiên. Một hôm cả nhà đi vắng, qua mấy kẽ hở của cái phên liếp, tôi nhìn trộm chị Ngh. đang kỳ cọ. Ở quê mình tắm táp thì vẫn mặc quần và đeo yếm, nước ngấm qua vải gợi tình và rạo rực lắm. Đang chổng mông qua khe liếp…Bỗng chị Ngh. thản nhiên cởi yếm và nói vọng ra: “Cứ đẩy cửa rộng ra mà vào”.
Rồi không có chuyện gì lôi kéo tôi về đó nữa, bạn học lờ mờ biết chuyện giữa tôi và chị. Gặp lại một bạn cũ bảo: "Chị Ngh. vào chùa rồi". Tạm biệt căn phòng ngập nắng gió, nhưng chưa thôi vương vấn bóng người xưa ấy giờ nơi nao, hay người nắm đất, kẻ phiêu bạt đây đó... Liệu có còn ai đau đáu cùng cố nhân?”.
***
Qua khung cửa sổ, bóng người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư xa vắng dần, tan trọn vẹn vào đêm giữa ban ngày. Cái đầu của người đi tìm thời gian đã mất váng vất hình ảnh ”bỗng chị Ngh. thản nhiên cởi yếm và nói vọng ra…”. Đâu đây âm vọng, âm hưởng thơ ông nặng đầy âm tính, rất ướt át, rất “đĩ”. Ông thường cố tình lắp đi lắp lại những hình ảnh gợi dục “môi trầu đờ đẫn”, “ngực yếm phập phồng”, “bầu vú lửa”, “vén xiêm”, “tốc xiêm”... Nhưng thơ người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư chỉ thật sự là thơ khi ông có cảm xúc, lời thơ tuôn trào theo bản năng tự nhiên. Hễ ông cố gò theo lý trí thì thơ chỉ có xác Kinh Bắc và cả xác tình dục chứ không có hồn.
Đang đờ đẫn đến “ngực yếm phập phồng…”. Bỗng chân va vào hòn đá. Kịch. Đau. Sực tỉnh. Người đi tìm thời gian đã mất chợt nhớ trong hố sách có cổ thư Nhục bồ đoàn, tựa đề hiểu nôm là đêm tụng kinh bằng thịt, bộ sách khiêu dâm đời Thanh. Hồi nhất, phần dẫn nhập với câu “Thế gian chân lạc địa - Toán lai toán khứ - Hoàn sổ phòng trung”. Hiểu theo nghĩa nơi cực lạc trong cõi nhân gian này, nghĩ đi nghĩ lại không ngoài cái phòng ngủ. Thế là người đi tìm thời gian đã mất hì hục đào sâu thành giếng nới rộng ra thành cái phòng chứa đầy cỏ dại trái cây. Ở đây lũ chuột rúc rích suốt ngày đêm. Người đi tìm thời gian đã mất làm bạn với lũ chuột và tậm tịt giảng kinh Phật cho chúng nghe. Chúng chuyển hướng ăn chay, làm loài chuột ăn cỏ. Có con siêng năng tu tập nên đã đắc quả A La Hán. Khi không người đi tìm thời gian đã mất là ông từ giữ đền cho lũ chuột ngô nghê. Nghĩ rằng chúng đã giác ngộ, chẳng tham sân si như mình!.
Một đêm gió thanh trăng nhã, người đi tìm thời gian đã mất chong đèn đọc sách, viết văn bài rồi lên giường. Đêm đen như đám rễ bèo tây dập dềnh ao quê. Đêm không nhìn được, rờ rẫm bằng tay và đoán bằng cảm nhận. Khô, cứng, phình và bó, thắt và mở. Giữa mơ và tỉnh... người đi tìm thời gian đã mất quằn người vặn mình như con sâu. Dấm dứt nước, ẩm ướt như thềm giếng đành rủa thầm: “Tiên sư nó. Con chuột”.
Hương tiểu tú thoang thoảng và thiếp đi lúc nào không hay. Trong ánh trăng loang loáng, một hình dung yểu điệu bước đến trước mặt. Cô gái khoác chiếc áo chẽn lưng. Ảo mờ sương khói. Nhu nhú nhũ hoa…Người đi tìm thời gian đã mất nhấm nháy con mắt, thấy trên áo có những lá trúc đen. Cô gái dạn dĩ xưng là…“Kiều nữ”. Và bảo nhà cô rất gần Thạch trúc gia trang. Thường gặp mặt nhau mỗi cuối tuần ở góc vườn. Bèn mời vào phòng, chuyện trò hết sức tâm đắc, làm như quen nhau từ kiếp trước. Đêm vào sâu. Tình thêm đượm. Mới đó mà trăng sắp tà. Kiều nữ giục lên giường. Cô tự tay thoát xiêm y. Thân hình lồ lộ trắng lạ lùng. Như màu trăng bàng bạc. Bèn giao hoan.
Một cơn gió lạnh lậu bậu lùa qua khe cửa, mấy trang lịch trên tường xột xoạt. Người đi tìm thời gian đã mất nhìn kỹ thấy đời sống nhân gian như quyển lịch treo tường. Mỗi người có một số trang hạn định. Từng ngày qua, sự sống rơi rớt dần từ thân thể. Thời gian âm thầm bóc sức lực con người ta đi như bóc vỏ củ hành. Cho đến ngày cuốn lịch gần hết trang thì không còn gì nữa cả. Y như rằng, sau mây mưa trời lại …không nắng, người đi tìm thời gian đã mất thân tàn sức kiệt. Há mồm thở rốc. Tay ngúc ngắc bắt chuồn chuồn. Và ú ớ: Thôi rồi mình không còn gì nữa cả! Thôi rồi đã đến lúc mình…gần đất xa trời đây!.
Mấy ngày sau, chẳng riêng gì đêm qua, đêm nào cũng thả rong…Đêm dài ngoẵng dài ngoằng nằm đau giường đau chiếu vẫn chưa sáng. Thoảng chiếc lá khô rơi xuống tấm ván gỗ che mưa nắng tưởng như ai đó gõ cửa, đánh thức xuân mộng…
Sáng tối đất hôm sau chợt thấy mình sống lại. Người ngợm không cứng đơ như bùi giời nữa và như được trở về dương thế. Đêm về, thân xác người đi tìm thời gian đã mất như có nhạc, giật đùng đùng. Xuôi xuống. Ngược lên, như đưa đò, như bơm xe, như chọc tiết lợn. Như que diêm sát vào vỏ bao, xoẹt cái toé lửa cháy xoè. Mồi điếu thuốc. Thở ra khói. Như mơ, thấy gặp lại tình cuối chân mây trong mộng tưởng. Vào lúc cuộc ân ái, người đi tìm thời gian đã mất hóa sinh, hóa ngộ và ngộ ra cuộc đời cứ tàn như cục đá mài dao vì rằng mình chưa già nhưng đã lớn tuổi. Bỗng dưng nhận thức thấy…sống cũng như chết vì trên bảo dưới không nghe, nên…rờ tới đâu chết điếng tới đó.
Nói cho ngay với cái tâm thái liêu xiêu như thế người đi tìm thời gian đã mất hay bất cứ ai, ở cái tuổi lỗ mỗ lơ ngơ này đều là gã thái giám cuối cùng của triều đại. Người đi tìm thời gian đã mất chẳng biết chọn giấc mơ nào ở cái tuổi tan hoang?
Sáng ngủ dậy…Vẫn như hôm qua, gió như bước chân mùa thu khẽ tới, hoa lá cụm lại thủ thỉ lời chia tay với những nỗi nhớ nhung…nhung nhớ đâu đâu. Lòng dạ người đi tìm thời gian đã mất cũng xoắn xúyt những nỗi lao xao khó hiểu, chỉ biết như đang ngụp lặn trong một ngày trống vắng. Trống vắng thì nghĩ ngay ra là kiều nữ trên ắt hẳn chẳng là…cô Kiều!
Lóng ngóng thế nào chẳng biết nữa, tay đang cầm sách hậu hiện đại, người đi tìm thời gian đã mất lật qua trang có dăm bài thơ thời Hậu Lê Mạt. Từ đó có truyền thuyết cho rằng từ người mẹ trấn Kinh Bắc quê hương quan họ, qua người vợ cả trong lúc khó khăn, đến…người kỳ nữ đánh đàn đáy bài Cầm giả dẫn ở Bắc thành. Chính những người đàn bà ấy đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời của người Du tử nên mới có áng văn chương tuyệt tác cho hậu thế tha hồ mà bình thơ luận giải.
Thế nhưng lại có thuyết khác luận cứ rằng trên đường đi sứ, người Du tử đã chọn tác phẩm Tàu tàu không mấy tiếng tăm bởi cốt truyện và nhân vật tạm gọi là trùng hợp cùng những nhân vật quen biết với người Du tử như Nguyễn Văn Thành, Tổng trấn Bắc Thành, là âm bản thổ quan họ Hồ. Còn cô Kiều là nguyên mẫu bà Hồ Xuân Hương, thiếp của Trấn ải quan Trần Phúc Hiển bị chết chém là bản sao họ Từ. Nên đã lay động ý thơ khiến người Du tử khởi, phục, đóng, mở, ngọn bút tung hoành trên mặt giấy như dấu ngựa dập dồn in trên con đường thiên lý viết khúc đoạn trường lưu danh kim cổ…
Tiện tay, người đi tìm thời gian đã mất lật sang trang khác:
“…Du nói với Kiều: “Không ai yêu em bằng anh.” Kiều đáp: “Em biết. Nhưng anh cũng nên nhớ là không ai yêu anh bằng em. Anh cứ tưởng tượng là nếu không có em thì anh sẽ ra sao?”. Du trầm ngâm đáp: “Phải”. Rồi Du cúi xuống hôn lên môi Kiều. Hai người hôn nhau đắm đuối. Không ngờ Kiều hôn mạnh đến nỗi nuốt cả người Du vào bụng mình. Du nằm luôn ở đó đã hơn hai trăm năm nay.
Và âm thầm rầu rĩ : “Bất tri tam bách dư niên hậu…”.
***
Trời đã sáng tỏ, người đi tìm thời gian đã mất mở cửa sổ phía Bắc, và đắm chìm với một mảng dĩ vãng nhấp nhô…Quê nhà thấp thóang qua tre trúc, ruộng đồng, bờ ao, khói bếp ngoằn ngòeo trên mái rạ. Thì…bắt gặp người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư đã ngồi dậy tự bao giờ, tay vê vê thuốc lào, miệng âm ử:
Vâng thì em lại lấy chồng
Thế cũng vui đời đôi chút
Dẫu đến nơi nào heo hút
Mai đừng trở lại phòng không
Người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư tìm bao diêm, châm đóm, rít một hơi dài, mắt đậu vào khoảng trời chiều, giọng trầm trầm xa vắng cùng một thoáng mây bay:
“…Tôi có nhiều kỷ niệm đằm thắm với 13 chị. Mỗi người đánh dấu một quãng đời đáng nhớ. Bây giờ nằm trên căn gác này, chả đi đâu được. Cứ định viết cái gì, tôi chỉ nghĩ được một lát là mọi thứ lại mù mịt. Nhưng cứ nhắc đến tên từng chị là những chuyện xưa lại trở về như mới hôm qua, hôm kia.
Nên chỉ có thể kể lại...
Ngày ấy, mẹ tôi bán hàng xén ở con phố Như Thiết của tỉnh Bắc Giang. Một lần từ tỉnh lỵ trọ học về thăm nhà, tôi nhìn thấy chị V. mua hàng ở chiếc quầy nhỏ. Trong ánh nắng chiều, chị hiện ra khiến tôi lao đao, choáng ngợp. Tôi viết những vần thơ tình đầu tiên, 8 tuổi đã biết say mê. Người thơ đầu tiên của tôi hơn tôi 8 tuổi. Mỗi bận về, tôi giúi vào tay chị một bài thơ. Đọc xong, chị chỉ cười, nhét vào túi áo. Chị đi bất kỳ đâu, tôi đều theo sát như đỉa đói. Một lần tôi xoắn xuýt theo sau rình chị ra đồng, trên một cái gò nhỏ có nhiều bụi dại. Chị vén váy ngồi xuống. Người tôi đang háo hức vì cái mông trắng như cùi bưởi. Chị ngẩng lên bắt gặp và mắng: “Sao mày cứ lẵng nhẵng theo tao thế này nhỉ”. Rồi giả bộ như lúi cúi tìm cái gì ấy. Rồi chị đứng thẳng người lên, mắt bâng khuâng nhìn tôi, miệng lẩm nhẩm bâng quơ qua đồng chiều cuống rạ. Một cái nhìn rất lạ lẫm…
Năm tôi lên 10, chị V. lấy chồng và có một cô con gái. Thế rồi, tôi lại gặp chị trong một lần đi xem kịch làng bên. Khi ấy, chị đã thôi chồng. Chị héo úa nhiều, nhưng đôi mắt vẫn không thay đổi, bờ mi cong vút, ánh mắt thăm thẳm. Nhất là khi chị cười, đôi mắt luôn cười theo, cứ như là đàn bà, con gái lẳng lơ vậy. Lần thứ hai, tôi gặp lại chị ra Hà Nội chơi với người em họ. Cậu ấy biết chuyện hai đứa tôi nên thu xếp để chúng tôi gặp riêng nhau. Sau lần ấy đến nay, tôi không có tin tức gì của chị nữa. Với chị V., tôi chẳng bao giờ cạn yêu. Nếu có thể, giờ tôi vẫn muốn đi lại trên cánh đồng làng xưa...”
Ông không giấu được nỗi buồn phiền trong thanh vắng cô liêu. Thơ thì đã lụi tàn, ráo hoảnh. Chữ nghĩa, thanh âm xưa giờ đã ngủ quên trong sâu thẳm ký ức và sẽ không trở lại. Tất cả những gì đã đi qua, và ngay cả bản thân, ông cũng không muốn khơi lại hay đánh thức dậy. Ông mong ngày đó đến thật gần, trong một sớm heo may rùng mình, hồn ông bay vút vào cõi thinh không. Những câu thơ của một đời người đã tan vào gió cát trong một ngày nắng lụi. Một ngày ông cưỡi hạc về trời, để lại những mối tình sầu, những câu thơ bám víu hôn mê.
Ông mất ngày 6 tháng 5 năm 2010 tại Hà Nội.
Người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư thì thào níu kéo trong cơn mê trần: “Diêu bông hời... ...ới Diêu bông...!”.
Trời hiu hiu lạnh, chợt cảm hoài với 13 cuộc tình có lẻ, người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư không nhớ hết được, bởi mối tình này chưa kịp lãng quên thì mối tình khác đã ập đến. Người tình cũ ra đi thì có người mới…lại về. Người đi tìm thời gian đã mất nhìn mây bay gió thổi, bụng dạ bỗng nôn nao đi tìm dấu ấn người con gái của riêng mình trong giấc mơ hoa: “Nếu biết rằng em đã lấy chồng - Anh lẳng lặng nhặt lá diêu bông - Kết bó hoa tươi làm kỷ niệm - Len lén tặng em lúc vắng chồng…”.
Nếu như người đi tìm thời gian đã mất quay quắt với những mối tình vướng víu “chị chị em em” là cô N., cô Ngh., cô V…
Với vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt tận thì chẳng thể bỏ qua người Du tử đang thấp thoáng ngoài khung cửa, đang lậm vào những cuộc tình không kém gắn bó cùng một lúc hai chị em cô Uy, cô Sạ đã luống tuổi ở phường vải làng Trường Lưu mà bà Hồ Xuân Hương giận lẫy qua bài Tranh Tố nữ hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình, chị cũng xinh mà em cũng xinh. Hay như hai chị em cô Cầm, cô Cúc ở phường hát ả đào Bắc Thành năm nao bỏ nghề hát theo người Du tử một thời gian. Bà chúa thơ Nôm cũng đã theo người Du tử ba năm có lẻ lưng khoang tình nghĩa đường lai láng, nửa mạn phong ba luống bập bềnh. Thấy họ cùng thân phận chìm nổi như mình, bà nhắn nhe qua bài Bánh trôi nước rằng rắn nát mặc dù tay kẻ nặn, mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Những mưa Sở mây Tần nổi trôi ấy, không ít thì nhiều người Du tử vay mượn từ truyện Phong tình lục của Mao Khôn.
Tuy nhiên cũng có thể người Du tử, sinh năm Ất Dậu 1765, tại phường Bích Câu, triều Vua Lê Hiến Tôn, năm Cảnh Hưng thứ 26. Vì vậy người Du Tử yên sĩ phi lý thuần từ bản chép tay chữ Nôm có tên Hoa viên kỳ ngộ tập, gồm 46 tờ (92 trang) khổ 27x15 cm, là một tiểu thuyết tính dục táo bạo nhất trong cổ văn Việt Nam để dựng lên tác phẩm của mình.
Cuộc gặp gỡ ở vườn hoa kể về cuộc tình duyên của Triệu Kiệu, con trai thứ hai của quan Tham chính họ Triệu, người đất Nam Xang thời Cảnh Hưng (1740-1786). Chàng thư sinh họ Triệu khôi ngô tuấn tú, học rộng tài cao. Một hôm dạo bước tới vườn hoa bên cầu Bích Câu, tình cờ gặp Lan Nương và Huệ Nương, con quan Ngự sử họ Kiều, đôi bên quen biết, tình tự rồi yêu nhau say đắm như ở dưới đây:
“…Triệu công tử được Kiều Công mến tài cho ở trong nhà để tiện thầy tiện bạn đèn sách. Chàng lân la đến khuê phòng của hai nàng, nhờ được Xuân Hoa và Thu Nguyệt là hai thị nữ (và cũng là hai chị em) của Lan Nương và Huệ Nương hết lòng giúp đỡ nên tự do đi lại, trai tài gái sắc, trao thân gửi phận, thỏa lòng mây mưa vượt qua lễ giáo. Cả hai chị em Lan và Huệ cùng chung tận hưởng cuộc hoan lạc trong cõi nhân gian.
Triệu Công tử đề nghị hai tiểu thư Lan và Huệ kéo cả hai thị nữ Xuân Hoa và Thu Nguyệt vào cuộc và hai tiểu thư cũng đồng ý. Thế là một chàng công tử lần lượt giao hoan với hai tiểu thư, cô em trước, cô chị sau. Sau đó đến lượt hai cô thị nữ nữa. Triệu Kiệu cả mừng, đưa tay vuốt ve Lan, kéo Lan vào lòng, một tay kéo đùi nàng, tay kia mân mê đôi vú, cười bảo rằng: “Hay thật, vừa mềm vừa ấm, hệt như thịt đầu gà”.
Lúc này lòng dục của Triệu chợt nổi lên. Chàng bước tới đẩy Huệ xuống gối. Huệ cũng không chống cự. Trong đệm phù dung hải đường máu nhuộm, dưới chăn phỉ thúy, đan quế hương bay. Mày ngài liên hồi chớp chớp mặc cho bướm lượn săn tìm, mắt phượng lim dim mơ màng, không cấm ong bay hút mật. Xiêm màu phấp phới khác nào mưa trút hoa sen, tóc mây rối bời, hệt như gió thổi cành dương.
Triệu không tự chủ được nữa bèn tay kia mân mê vú Huệ, mặc sức đùa cợt trong chăn phỉ thúy, tận hưởng cuộc hoan lạc, rồi đẩy ngã vào trong đệm, phỉ sức mây mưa. Xong rồi Triệu lại kéo Lan, Lan cũng không chống lại. Bắt chước theo hình dáng chim âu chim vụ, phỏng học theo tư thái uyên ương, quả là niềm cực lạc trong cõi nhân gian. Sau đó đến tỳ nữ Xuân Hoa. Lúc Xuân Hoa giao hợp với Sinh, lòng xuân rạo rực, mặc cho Sinh muốn làm gì, không hề mảy may khó khăn. Sau đó đến Thu Nguyệt, mặc sức mây mưa. Hoa binh nguyệt trận, nhung mã tung hoành. Giao hoan xong, Sinh lại cùng hai nàng Lan, Hương đối ẩm.
Khi gà gáy hai hồi, bỗng Huệ Nương không nói chẳng rằng trút bỏ ngay lụa là. Ham vui ân ái, ai ai chẳng lòng giở nết gió trăng quyến phường hoa liễu. Triệu thêm một lần gối vừa xô đã khoát sóng hoa đào. Mây khói vật vờ, thần yêu phách yêu.
Xong chuyện hương khuê, nàng đề thơ:
Mộng tàn bán chẩm mê hồ điệp
Xuân tận tam canh oán tử quy
Thứ khử vị thù đồng huyện ước
Hảo tương nhất tử vị tâm tri
Diễn nôm là mộng tân gối bướm bâng khuâng lạc, xuân hết cành quyên khắc khoải kêu, đồng huyệt chưa tròn nguyền ước ấy, vì nhau một thác sẵn xin liều. Triệu khen ngợi văn tài nàng nào khác gì Dĩ An xưa kia. Huệ Nương cười mà rằng:
- “Nhân sinh quý thích chí”, rõ ra sinh ra ở đời cốt sao sống cho thỏa thích ý mình, chớ văn chương thời làm gì, chẳng qua rồi cũng đắp nấm đất cỏ khô là hết chuyện. Sao không bằng ngay trước mắt, tìm thú vui say, để khỏi phụ mất một thời xuân tươi tốt.
Sau khi gà gáy ba hồi, các nàng vực chàng vào ngủ…”.
Người Du tử đọc xong kỳ thư những nữ lang trên, những chị em cô Uy, cô Sạ, cô Cầm, cô Cúc, và bà Hồ Xuân Hương nhập hồn vào ông. Canh khuya đèn tàn, ông đặt bút xuống viết truyện chị em cô Kiều. Ông miên man hụt hẫng “Nhất sinh từ phú tri vô ích - Mãn giá cầm thi đồ tự ngu”, tạm hiểu là một đời tiêu pha chữ nghĩa là vô ích. Sách, đàn đầy giá chỉ tự mình làm ngu mình. Mấy niên sau, vào một ngày mông lung sương khói lẵng nhẵng với giấc mơ quan luống lẫn mơ canh dài, ông cay đắng nghĩ người sau cứ ngu ngơ luận cổ suy kim về tác phẩm mua vui cũng được vài trống canh của ông. Nhưng chẳng ai hiểu chuyện người Du tử với những người muôn năm cũ…
Ông mất vào ngày 16 tháng 9 năm Canh Thìn 1820.
Người Du tử khép mắt về với cõi, miệng mấp máy thì thào: “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như….”
***
Số là cái hố thư kinh xông mùi mốc, bấy lâu nay chỉ có cỏ úa, rau khô nên chuột không đến. Thỉnh thoảng có con chạy nhầm vào phòng cắn đùa vào chân rồi biến mất. Người đi tìm thời gian đã mất cũng muốn đi hoang như con chuột. Chỉ có nó mới nay đây mai đó và chuột sẽ viết sách. Sách chẳng có những thiên cổ kỳ bút như người ở căn nhà 43 phố Lý Quốc Sư hay người Du tử. Rồi ra cả hai cũng mặc áo gỗ bốn dài, hai ngắn là hết đất. Nói cho ngay lúc này với cái đầu rỗng rễnh, qua khung cửa sổ chỉ nhìn thấy ngày như lá, tháng như mây. Đầu mày cuối mắt chỉ là những ngày tháng còn lại cứ trôi qua như cát lọt qua kẽ tay. Tuổi già mãn bóng chẳng chịu chờ đợi ai cả, lúc nào cũng lễnh đễnh đến với tất cả mọi người, mọi thứ xa lạ trở nên quen thuộc, mọi thói quen trở nên xa vắng. Thời gian ấy nó thế. Thời gian nó thế ấy!
Nắng oai oải bò lên tới tàng cây, người đi tìm thời gian đã mất tay điếu thuốc lá, tay ly Cognac. Và ngồi khơi khơi giữa lòng giếng nhìn theo ngọn khói vu vơ thấy được hết một cõi nhân sinh qua hai cánh cửa sổ. Có ai đó đi ngang qua cái giếng bỏ hoang, nếu có nhìn vào cũng chẳng hay biết rằng có…một “người đi tìm thời gian còn lại” ngồi trên hòn đá rong rêu. Nấp dưới hòn đá, con dế mèn đang tỉ tê ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…. Bèn quẳng chùm chìa khóa xuống cái hố tủ sách kim cổ kỳ thư.
Tự nhủ thầm hãy đóng chặt cánh cửa quá khứ lại…
Và mở cái nắp giếng bằng gỗ trở về với chốn nhân gian, ngắm bầu trời nhá nhem, thoắt đổi thành mầu hoa mướp, hoa bí mênh mang, rười rượi, trễ tràng. Người đi tìm thời gian còn lại nhuốm mùi hoa xưa cũ, bỗng quan hoài, quan san đến câu tương tư hoa gạo quê nhà, tự dưng áo đỏ làm ta giật mình. Đường mưa ướt đất, chợt để hồn trốn mây nấp gió với giấc mơ cuối đời tình lỡ không hẹn mà đến với…còn một chút gì để nhớ, để quên…
Đến trưa vẫn hoang sơ, hoang vắng, đầu đường cuối xóm buồn teo một tiếng gà… Người đi tìm thời gian còn lại buồn tình leo lên thành giếng lấy xe xuống phố chợ: Đèn xanh: đạp thắng. Đèn đỏ: đạp ga. Đèn vàng: ngẩn ngơ chẳng biết nên đạp thắng hay ga. Như thể không biết mình đang thuộc cảnh giới nào? Khách qua đường chẳng nhận ra người đi tìm thời gian còn lại là ai? Mặc dù chẳng hề một lần gặp gỡ hay…quen biết!
Bỗng người đâu đứng đợi ở góc đường xin quá giang. Ngỡ…tình ngỡ đã quên đi, nhưng tình bỗng lại về. Hóa ra là một ông già lùn choằn, đầu hói, đeo kính đen. Ông lũn cũn leo lên xe. Ngồi củ rũ như con cò ốm. Tay cầm cái cell phone, tay mồi điếu thuốc với cái bật lửa Dunhill. Mặt rất căng thẳng, rất trịnh trọng…
Ông tự giới thiệu tên là…Từ Thức.
Thạch trúc gia trang
Thu phân, Nhâm Thìn 2012
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Nguồn: Lai Quảng Nam, Bình Như, Hà Linh, Nguyễn
Nhật Ninh, Viên Linh và một số truyện chớp
hay truyện cực ngắn trên mạng lưới.