Thói quen phổ biến này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường thường là kết quả của những thói quen mà bạn thực hiện hàng ngày. Vậy bạn có thể làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh?
Theo Eat This, Not That, bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không có khả năng xử lý đường (hay còn gọi là glucose).
Khi một người không mắc bệnh tiểu đường tiêu thụ đường, tuyến tụy của họ sẽ tiết ra một loại enzyme gọi là insulin để chuyển hóa nó thành năng lượng. Tuyến tụy của bệnh nhân tiểu đường không tạo ra insulin hoặc cơ thể trở nên đề kháng với nó. Sau đó, đường sẽ tích tụ trong máu, có khả năng làm hỏng các động mạch và dẫn đến bệnh tim, đột quỵ, các vấn đề về mắt,...
Bệnh tiểu đường loại 2 thường phát triển ở tuổi trưởng thành, là kết quả của những thói quen mà bạn thực hiện hàng ngày. Vậy bạn có thể làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh?
Thói quen nào có thể dẫn đến bệnh tiểu đường?
Có nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2. Một trong những vấn đề lớn nhất là chế độ ăn uống nhiều đường bổ sung.
Khi cơ thể ngập trong đường (và nhiều loại thực phẩm chế biến có chứa carbs đơn giản phân hủy thành đường), cơ thể có thể trở nên đề kháng với insulin.
Thomas Horowitz, chuyên gia y học gia đình tại CHA Hollywood Presbyterian Medical Center ở Los Angeles, giải thích: "Tiểu đường là khi cơ thể bạn không thể cung cấp đủ insulin để cho phép glucose (đường) đi vào các tế bào đói của cơ thể. Cách tốt nhất để tránh nó là thực hiện một chế độ ăn kiêng không ảnh hưởng đến việc cung cấp insulin của bạn."
Thường xuyên tiêu thụ nước ngọt làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Ảnh: NHẬT LINH
Điều đó có nghĩa là tránh đồ uống có đường như soda, thực phẩm chế biến và ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, bánh quy, khoai tây chiên và bánh nướng. Chọn thực phẩm ít đường bổ sung và chứa carbohydrate phức hợp phân hủy chậm, như ngũ cốc nguyên hạt và rau thay vì ngũ cốc tinh chế hoặc đồ ngọt.
Điều đặc biệt quan trọng là hạn chế hoặc tránh đồ uống có thêm đường, như nước ngọt có đường.
Thực hiện thói quen này càng sớm càng tốt
Để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường, hoạt động thể chất nhiều hơn là chìa khóa.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Cleveland Clinic, các nhà nghiên cứu cho biết: "Cùng với việc điều chỉnh chế độ ăn uống và hành vi, tập thể dục là một phần thiết yếu của tất cả các chương trình can thiệp về lối sống và phòng chống bệnh tiểu đường và béo phì."
Tập thể dục giúp cải thiện độ nhạy insulin và xây dựng cơ bắp, có thể tăng tốc độ trao đổi chất, giúp bạn đạt được và duy trì cân nặng hợp lý, theo Eat This, Not That.