NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH: NHỮNG QUẢ BÓNG BỒNG BỀNH HƯƠNG KÍ ỨC
Trịnh Y Thư
Bóng Bay Gió Ơi. Trên báo Sống
Bìa Bóng Bay Gió Ơi
Đọc tản văn Nguyễn Thị Khánh Minh [Bóng bay gió ơi, NXB Sống, 2015] chúng ta nên đọc thật chậm. Như đọc thơ. Bởi đấy là thơ. Bởi chị viết văn như làm thơ, chữ nghĩa nuột nà tung tỏa, lôi cuốn như có bùa phép – hay bùa hương, chữ của chị – làm mê hoặc người đọc. Đọc chậm để có thể thẩm thấu tầng chữ nghĩa của văn chương và qua đó họa may chúng ta hoà nhập lên tầng cảm xúc và phần nào nhận ra tâm hồn của tác giả. Đọc văn, hoặc thưởng ngoạn bất kì tác phẩm nghệ thuật nào khác, chúng ta không tìm kiếm những tình tiết, chi tiết có tính thông tin, thậm chí chẳng cần khai tâm mở trí làm gì. Chúng ta đọc, xem, nghe “tâm hồn” của người nghệ sĩ sáng tạo ẩn nấp đâu đó đằng sau tác phẩm. Văn nghệ sĩ là người phơi trải một cách tha thiết và chân thật cái phần tinh hoa của tâm hồn mình như một con người, và trải nghiệm đời sống, xấu cũng như tốt, của chính mình như một kẻ đồng loại. Cuốn tản văn Bóng bay gió ơi của Nguyễn Thị Khánh Minh là một công trình nghệ thuật đa dạng, phong phú trong đề tài, tầm vóc trong phong cách văn học, viết bởi một người nữ đa tài với cái nhìn tinh tế và tâm hồn nhạy cảm. Và quả thật không công bằng chút nào nếu chúng ta chỉ quan tâm đến mặt nội dung các đề tài viết mà bỏ lửng phần tâm hồn của tác giả. Bởi, trong mắt tôi, Nguyễn Thị Khánh Minh đã dốc hết trái tim riêng tư của mình ra trên mỗi trang viết.
Tác phẩm văn học thông thường chứa đựng nhiều bí ẩn của cái chung lẫn cái riêng. Nó là thao tác của tư duy, tâm lí, cảm xúc của người nghệ sĩ sáng tạo, và tuỳ thuộc vào trình độ, năng lực, thế giới quan, nhân sinh quan của người nghệ sĩ, tác phẩm bao giờ cũng có nét riêng tư. Tản văn là hình thái nghệ thuật diễn đạt mang tính cách riêng tư nhiều nhất trong các loại hình văn học, có lẽ chỉ ít hơn tự truyện hay tiểu sử. Người viết tản văn phơi bày trái tim mình. Đặc điểm của nó là phản ánh cá tính và tâm hồn người viết. Nơi đây hiện thực khách quan hình như không có chỗ đứng rộng rãi mà phải nhường chỗ cho cảm xúc chủ quan, đối tượng sáng tạo được thể hiện đóng vai trò then chốt ở đây lại chính là người sáng tạo. Bởi thế, viết tản văn là con dao hai lưỡi. Nếu bản lĩnh không vững vàng, cảm xúc không chân thật, ngòi bút không sắc sảo, tài hoa thì tác phẩm sẽ rất dễ rơi vào tình trạng lố bịch, thậm chí biến thành lá cải. Nguyễn Thị Khánh Minh hình như có cả ba.
Điều thú vị đầu tiên của tôi khi đọc tản văn Nguyễn Thị Khánh Minh là lối viết hết sức nữ tính của chị, một “Bút pháp nữ” nếu tôi có thể gọi như vậy. Tản văn chị không có cái dí dỏm, sâu sắc của Võ Phiến, không có cái khinh mạn, cao ngạo của Nguyễn Tuân, không có cái kiêu kì, đỏm dáng của Mai Thảo. Đây đó hơi nhuốm một tí Vũ Bằng. Tuy vậy sự đối sánh với các cây bút tiền bối này chẳng hề có ý nghĩa gì trọng đại, tôi dùng nó chỉ để làm nổi bật cái “Bút pháp nữ” trong văn cách của chị. Nó là văn cách Nguyễn Thị Khánh Minh, không nhầm vào đâu được. Và chỉ nội điểm này đã là một thành công đáng nể phục. Nhưng đừng vội quy chiếu “Bút pháp nữ” của chị với Écriture féminine của các bà tôn thờ chủ nghĩa Nữ quyền.
Écriture feminine. Bút pháp nữ. Một hôm đâu quãng những năm 70 của thế kỉ trước, một vài bà học giả Nữ quyền luận người Pháp bỗng dưng nổi hứng đề xuất thuật ngữ này khiến ai nấy nhìn nhau ngỡ ngàng. Các bà bảo ngôn ngữ và văn bản của văn học (phương Tây, dĩ nhiên) xưa nay toàn mang giọng nam, nay các nhà văn nữ hãy bỏ quách cái lối viết đó và thay thế bằng lối viết thuần nữ, hãy đem trái tim người nữ ra phơi bày trên mặt bàn và đừng để bọn đàn ông vũ phu, lỗ mãng chèn ép mình nữa. Thậm chí cách đọc tác phẩm của các tác giả phái nữ, kể cả các tác phẩm kinh điển, cũng phải được phê bình, đánh giá lại theo cảm quan của người nữ.
Tuy thế sự giống nhau giữa tản văn Nguyễn Thị Khánh Minh và cái-gọi-là Bút pháp nữ của các bà học giả người Pháp kia chỉ là phần định nghĩa lí thuyết, còn cách thế thực hành thì khác hẳn, nếu không muốn nói là trái ngược. Trong khi các nhà văn nữ sáng tác dưới luồng sáng của Écriture féminine cuống quýt với vấn đề tính dục, đem thân xác người nữ ra như một phương tiện tự giải phóng (tôi đang nghĩ đến Erica Jong và các môn đệ của bà) thì Nguyễn Thị Khánh Minh vẫn chậm rãi, tỉ mẩn lật từng trang kỉ niệm quá khứ với những hạnh phúc nhỏ nhoi tìm thấy trong cuộc sống xung quanh. Chị tin hạnh phúc không ở đâu xa mà trong chính lòng mình. “. . . Có phải nếu biết quý những niềm vui bình thường thì hẳn nỗi đau mà con người gây ra cho nhau cũng sẽ nhẹ nhàng hơn?” [Mưa nắng thềm nhà]. Hay, ở một bài khác, “. . . Và, phải chăng, mỗi người biết quý từng niềm vui nhỏ của cuộc sống mình thì sẽ biết trân trọng hạnh phúc của tha nhân?” [Chớ bảo xuân tàn]. Cứ thế, mạch văn tuôn chảy như dòng sông êm ả, chị kể cho chúng ta nghe những điều nằm ấp ủ trong trái tim chị bấy lâu nay, những gì chị hằng trân quý. Lời văn chân tình, đôi lúc như thủ thỉ, ngọt ngào, thấm đẫm tình cảm êm đẹp giữa con người, trữ tình, giàu cảm xúc, lúc thiết tha sôi nổi, lúc trầm lắng mông lung, lúc buồn bã da diết, lúc ngời sáng niềm tin. Hơi văn biểu hiện một trái tim mẫn cảm nhưng không bi luỵ, vẫn tha thiết với cuộc sống dù va chạm nhiều nghịch cảnh trái ngang. Chị luôn luôn tỏ ra trân quý cái đẹp, từ cái đẹp của một nụ hoa tầm thường trong góc vườn trước nhà đến cái đẹp trong cung cách tranh đấu cho dân chủ của những cô cậu sinh viên Hong Kong. Cái đẹp sẽ cứu vãn thế giới. Tôi có cảm tưởng chị muốn nói như thế. Bạn có thể bảo kẻ nói câu đó là người mang hội chứng hoang tưởng, nhưng thử hỏi lại bạn cái gì sẽ cứu vãn thế giới này? Chắc chắn không phải những tiến bộ về cả mặt tư tưởng lẫn khoa học bởi điều oái oăm là thời nay, với những tiến bộ vượt bực ấy, càng lúc con người chúng ta càng rơi sâu vào cái bẫy sập của nghịch lí chung cuộc hết thuốc chữa.
Ca tụng cái đẹp là thao tác của người nghệ sĩ cho dù cái đẹp ở đây chỉ là giấc mơ, bởi chính cái phi thực mới đem lại cho chúng ta cảm quan thẩm mĩ vượt lên trên tất cả những rác rưởi của cuộc sống tầm thường, nhàm chán bình nhật. Tôi có cảm tưởng Nguyễn Thị Khánh Minh sống vì cái đẹp, bởi cái đẹp, cho cái đẹp. Chị ghê sợ cái xấu, ghê sợ đến độ đành tự đánh lừa mình cho là nó không hiện hữu mặc dù tận thâm tâm chị biết bùn lầy dơ bẩn vẫn ngập ngụa trên thế gian. Chị lo lắng, băn khoăn, “. . . Chưa bao giờ sống là một thử thách như thời này. Mỗi hơi thở là mỗi mạo hiểm, không biết lúc nào sẽ sập xuống cái bẫy của những tin tức mà cứ mỗi lúc lại đem đến một khủng khiếp khác nhau.” [Mùa thu, những chiếc ô và dải nơ vàng]. Hay lúc khác, chị nghiêm khắc như một nhà đạo đức, “. . . Những kẻ sống vì bóng tối, gieo rắc bóng tối sẽ bị khuất bởi bóng tối của chính họ . . .” [Tiếng động cuối năm]. (Câu nói sao mà nhân bản đến thế!) Tuy bồn chồn, lo âu, chị vẫn quay về với niềm tin son sắt nơi con người tốt lành, nơi giấc mơ biến thành sự thật, “Nụ cười đoá hướng dương, toát vẻ rực rỡ của mạnh mẽ, tự tin khiến người ta nghĩ rằng tất cả đều có thể, kể cả giấc mơ . . .” [Nụ cười những đoá hướng dương]. Với hành trạng đó, phải nói chị đã thành công chinh phục người đọc, và chiếc bẫy êm ái chị giăng ra khiến người đọc chúng ta rơi vào ma trận của chị với không biết bao nhiêu món đồ chị bày ra cho xem.
Nếu bảo chị thành công vì một hơi văn thuần nữ, đẹp, rung động lòng người thì mới chỉ đúng phân nửa. Bên cạnh cái lóng lánh của mỗi câu văn là khối suy nghiệm phong phú tích luỹ cả đời người mà mỗi suy nghiệm bắt nguồn từ trải nghiệm của cả hạnh phúc lẫn thương đau. “Mạch nguồn cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ thường bắt rễ rất sớm, từ những năm tháng của tuổi ấu thơ hoặc thời tráng niên mới trưởng thành. Sau khi lớn khôn, trải nghiệm sống và kiến thức của người nghệ sĩ có thể là phong phú, già dặn hơn trước nhiều, nhưng nền tảng cho sự sáng tạo của hắn vẫn nằm nơi tiềm thức, kí ức, tập quán và ngôn từ của tuổi ấu thơ.” Tôi viết như thế trong cuốn Chỉ là đồ chơi. Tôi đồ Nguyễn Thị Khánh Minh không phải một sớm một chiều có được một tâm hồn phong phú và một tài năng như thế. Nó là tư chất thiên bẩm cộng với kinh nghiệm sống của một đời người và ngọn lửa đam mê trong tim không bao giờ tắt.
Và chị sống nhiều với lòng hoài niệm.
Sống trên đất Mĩ nhưng chị có vẻ dửng dưng với các vấn đề đất nước này đang thao thức. Chị thảng thốt, kinh hoàng thì đúng hơn, với cái tin 20 trẻ em vô tội bị bắn chết tại một ngôi trường tiểu học bên miền Đông, và do bản chất nhân hậu chị phẫn nộ với sự tự do bừa bãi sử dụng súng đạn trên đất nước này. Nhưng còn các vấn đề khác thì sao? Hình như chị chẳng quan tâm lắm. Dự luật di dân? Cuộc chiến dai dẳng giữa hai phe chống đối và ủng hộ phá thai? Vấn đề an ninh quốc phòng? Cuộc chiến chống khủng bố? Làm sao đương đầu với anh Trung quốc hung hăng? Hôn nhân đồng tính? Cho phép bán cần sa tự do? Toàn những vấn đề nóng hổi định đoạt cuộc sống tương lai của con cháu chị nhưng chúng ở ngoài tầm xa, lạ lẫm quá, và bởi tâm thức chị chật cứng những hình ảnh quá khứ bề bộn trăm chiều, những hình ảnh của Nha Trang, Đà Lạt, ngôi trường Luật trên con đường Duy Tân thơ mộng, tuổi ấu thơ, người cha, bè bạn, vườn cũ, nhà cũ, vân vân. Ôi chao, không biết bao nhiêu thứ tuần tự hiện về. Hình ảnh quá khứ quay về không như những đoạn phim trắng đen vàng ố mờ nhạt mà rõ nét như bức ảnh màu rực rỡ hàng chục megapixels. Chị nâng niu kỉ niệm như người ta nâng niu bảo vật. Đang sống ở California, nhưng chỉ cần một trận mưa, một cơn gió, một nụ hoa, một cành cây cũng khiến chị chạnh nhớ về cái quá khứ xa xăm ấy. Lòng chị đầy ăm ắp nỗi niềm hoài thổ và chị sống với thời quá vãng hơn là thời hiện tại. Nhưng cài đặt bên trong kí ức con người là cái lăng kính gạn đục khơi trong nên với thời gian nó loại bỏ đi những điều xấu xí và chỉ để lại bức tranh đẹp đẽ trong bộ nhớ của chị. Chẳng những thế nó còn khuếch đại cái đẹp lên bội phần và kết quả là kỉ niệm nào của chị cũng đẹp, cũng thơ mộng, cũng tuyệt vời. Kí ức của chị cũng lạ lùng lắm, nó chẳng những là sắc màu, âm thanh mà còn nồng nàn toả về thật nhiều mùi hương “. . . Và hương bám hoài trong nhớ, cái hương đồng nội trộn lẫn mùi nắng trưa, đất bùn, phân trâu bò, lá tre xanh . . .” [Những mùa nắng Nha Trang]. Ngoài cái hương nắng, hương xuân thông thường, đâu đó còn là “hương nồng của sân gạch đỏ sau cơn mưa bất chợt mùa Hạ”, “hương tinh khiết của cánh sen hồng”, “hương rằm”, “hương biển mặn mòi”, “hương nước mắt”, “hương những viên gạch cũ, mảng tường lở lói già nua năm tháng”, “hương ngày hội”, “hương ca dao” “hương trâm trâm” . . . và biết bao mùi hương khác mà tôi không đủ kiên nhẫn liệt kê hết ra đây. Chị gọi đấy là “bùa hương” và hiển nhiên nó đánh động tâm hồn chị sâu đậm nhất. Bạn đừng hỏi tại sao bởi, nói như Xuân Diệu, không ai đi phân tích một mùi hương. Chỉ biết kí ức của chị, nhờ cái bùa hương chị hằng ấp ủ trong tim, theo năm tháng và dù ở bất kì không gian nào vẫn bồng bềnh trôi về cõi vô tận trong “Giấc Mơ Hương.”
Sống với kí ức là sống hai lần. Lần đầu thật sự kinh qua tất cả những trải nghiệm vui buồn, và lần thứ hai là lúc sống với kí ức. Lần thứ hai này đẹp hơn lần đầu vì như tôi nói bên trên kí ức chúng ta có cái lăng kính, nó gạn lọc đi tất cả những gì chúng ta không muốn nhớ. Ông Tennessee Williams, nhà viết kịch lừng lẫy của nước Mĩ, thì bảo, “Tất cả Đời sống đều là kí ức, ngoại trừ những giây khắc hiện tại vụt qua quá nhanh đến nỗi bạn không kịp giơ tay ra chụp bắt.” Chúng ta ai cũng có kí ức, loài vật như loài voi, loài cá như cá hồi cũng có kí ức. Riêng đối với những kẻ lìa bỏ quê hương ở lúc khúc giao hưởng đời sống đã tấu xong hành âm mở đầu thì cái kí ức ấy hình như là cái khối nặng khôn kham. Chúng ta trìu trĩu đeo nó trên người cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay như con ốc sên đeo cái vỏ của nó, như người gù đeo cái cục u khổng lồ trên lưng. Cái gì nặng nề thì khổ sở, tối đen, cái gì nhẹ nhàng thì vui tươi, xán lạn. Chúng ta thường hay nghĩ như thế. Cái kí ức nặng nề đó được Nguyễn Thị Khánh Minh thánh hoá thành Giấc Mơ nhẹ hơn không khí, và nhờ hương kí ức của chị nó bồng bềnh theo gió bay lên.
Thật khó viết đầy đủ về Nguyễn Thị Khánh Minh. Chữ nghĩa chị ảo diệu quá. Tâm hồn chị cao rộng quá. Đôi lúc tôi như choáng ngợp trong khu vườn đầy hoa lá và kì hương của chị. Không chắc sau khi gấp lại cuốn sách tôi nhìn ra tâm hồn chị, nhưng một điều tôi biết chắc là nhờ nó tôi như phá vỡ được bức tường cản, đặt chân vào ngôi nhà nghệ thuật và chạm vào linh hồn của sự vật.
Trịnh Y Thư
(Nguồn: Thư Viện Sáng Tạo)